HỌC MÔN: “CÂU CHUYỆN TRUYỀN THANH” – HỌC CÁCH NGHỆ THUẬT HÓA NHỮNG THÔNG ĐIỆP, THÔNG TIN

     Câu chuyện truyền thanh là một dạng báo chí phát thanh đặc biệt. Thay vì chuyển tải những hiện tượng hay số liệu về một thực trạng, tình hình kinh tế, xã hội như một bài báo, chương trình phát thanh  thông thường; nó được thể hiện bằng một cốt truyện thông qua đối thoại. Tùy theo tiêu chí của các cơ quan báo đài, câu chuyện truyền thanh thường được xây dựng mang theo bản sắc riêng của từng vùng, miền nhưng tiêu chí chung vẫn là tính cảm xúc và sự dễ hiểu, dễ cảm, dễ nhớ, gần gũi với người nghe.

     So với các thể loại báo chí khác, câu chuyện truyền thanh được coi là một thể loại khá “ăn khách” do thu hút được số lượng người nghe đông đảo thuộc nhiều lứa tuổi và trình độ khác nhau. Khi xây dựng được một kịch bản đủ tốt, có diễn viên diễn xuất giỏi và công nghệ xử lý pha âm chuyên nghiệp tác phẩm còn có giá trị thưởng thức tương đương với một sản phẩm báo chí có tính nghệ thuật.

Biên tập viên và một số nghệ sĩ Nhà hát kịch Việt Nam đang thu âm một Câu chuyện truyền thanh tại phòng bá âm của Đài Tiếng nói Việt Nam

     Nhờ tính ưu việt kể trên, câu chuyện truyền thanh luôn được quan tâm đầu tư ở hầu hết các kênh, đài phát thanh từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là ở các đài phát thanh ở cấp xã, phường. Câu chuyện truyền thanh luôn giữ vị thế chủ đạo là chương trình “đinh” trong các Phòng, Ban văn nghệ như chương trình Sân khấu truyền thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam, câu chuyện truyền thanh ở chương trình phát thanh Công an nhân dân, chuyên mục Câu chuyện truyền thanh quân đội của Trung tâm phát thanh – truyền hình quân đội.

Đại diện các đơn vị nhận thưởng Giải Vàng với hạng mục tác phẩm kịch truyền thanh dự thi tại Liên hoan phát thanh toàn quốc lần thứ XV năm 2022 mới đây tại TP Hồ Chí Minh

     Trong ngành học Báo chí tại trường Cao đẳng phát thanh truyền hình II, ở học kỳ thứ hai sinh viên sẽ được làm quen với môn học này. Với thời lượng 45 tiết học bao gồm cả lý thuyết và thực hành tương đương ba đơn vị học trình, môn học cung cấp cho các em các kiến thức và kỹ năng cơ bản để đảm nhận công việc của người phóng viên, người làm chuyên mục câu chuyện truyền thanh tại các Đài trung ương và địa phương.

     Khi học tập tại trường, đồng hành với quá trình lên lớp tiếp thu kiến thức, rèn luyện các kỹ năng, thao tác trong giờ học thực hành các em sẽ được học và tham khảo theo cuốn  giáo trình  Câu chuyện truyền thanh của hai tác giả là ThS. Nguyễn Thị Mai Thu và ThS. Phan Thị Kim Loan.

Cuốn giáo trình Câu chuyện truyền thanh đang có tại thư viện trường Cao đẳng Phát thanh – Truyền hình II để phục vụ cho việc học tập của sinh viên ngành báo chí

     Và lúc mà các bạn sinh viên sẽ cảm thấy có nhiều sự bất ngờ và trải nghiệm thú vị nhất có lẽ là khi các em được tham gia 30 tiết thực hành của bộ môn. Dưới sự dẫn dắt của giảng viên, sinh viên sẽ tự mình lên ý tưởng và chuẩn bị các yếu tố cần thiết để xây dựng  một kịch bản Câu chuyện truyền thanh. Tiếp đó là tập hợp, phân vai để tổ chức thu âm sau đó là công đoạn dàn dựng để hoàn thiện tác phẩm trong phòng thu như những phóng viên phát thanh thực thụ.

    Như vậy, thay bằng việc tiếp thu kiến thức, tự tưởng tượng, hình dung, các em đã được vận dụng kiến thức cho những đầu việc trong thực tiễn đầy sinh động của nghề báo nói. Đây cũng là sự khác biệt và cũng là ưu thế mà sinh viên trường cao đẳng Phát thanh – Truyền hình II được thụ hưởng từ thầy cô và phương châm đào tạo của nhà trường!

Vũ Nga