Khoa Kinh tế Truyền thông tổ chức buổi tọa đàm Văn hóa doanh nghiệp "Huyết mạch của một tổ chức"

Ngày 25/5, Khoa Kinh tế Truyền thông tổ chức buổi tọa đàm về Văn hóa doanh nghiệp "Huyết mạch của một tổ chức" do diễn giả Hồ Nhựt Quang - Chủ nhiệm CLB Nghiên cứu và Vinh danh Văn hóa Nam Bộ; Cố vấn cấp cao kiêm GĐ Nghiên cứu & Phát triển Văn hóa của Tập đoàn Phúc Khang trình bày.

Đồng thời, Coach Mama Dung, giảng viên thỉnh giảng của Khoa cũng đã phối hợp chia sẻ về tầm quan trọng của công tác làm việc nhóm.

Buổi tọa đàm đã thu hút sự chú ý của sinh viên K22 và K23 ngành Quan hệ công chúng tại VOV College, giúp các em hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp trong hoạt động của doanh nghiệp, kỹ năng làm việc nhóm…

Tại buổi tọa đàm diễn giả Hồ Nhựt Quang đã chia sẻ rất nhiều nội dung về tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp. Ông cho rằng, Văn hóa doanh nghiệp không chỉ là một khái niệm trừu tượng, mà là "máu chảy trong huyết quản" của mỗi doanh nghiệp. Nó là nền tảng tinh thần vững chắc, định hướng hành vi, thái độ và cách thức hoạt động của tổ chức. Như một dòng năng lượng, văn hóa doanh nghiệp tuôn chảy qua mọi hoạt động, lan tỏa đến mỗi nhân viên, khách hàng và đối tác.

Một văn hóa doanh nghiệp tốt không chỉ mang đến sự gắn kết, niềm tự hào và tinh thần làm việc nhiệt huyết, mà còn là chìa khóa mở ra cánh cửa thành công bền vững. Nó đem lại sự sáng tạo, đổi mới, tạo niềm tin và hình ảnh tích cực trong mắt công chúng. Ngược lại, văn hóa doanh nghiệp xấu sẽ dẫn đến những xung đột, mâu thuẫn, giảm năng suất lao động, thậm chí có thể phá hủy cả thương hiệu của tổ chức.

Cụ thể hơn, diễn giả Hồ Nhựt Quang đã đi sâu phân tích về 3 mối quan hệ cơ bản trong Văn hóa doanh nghiệp là cách “Ứng xử với đồng nghiệp”, “Ứng xử với đối tác, khách hàng”, “Ứng xử với thương hiệu”…

Với tầm quan trọng của đồng nghiệp trong doanh nghiệp, diễn giả Hồ Nhựt Quang nhấn mạnh, đội ngũ nhân sự có vai trò then chốt đối với thành công của một doanh nghiệp. Mối quan hệ tốt đẹp giữa các đồng nghiệp là nền tảng quan trọng để nâng cao hiệu quả làm việc và tạo dựng môi trường làm việc tích cực. Mối quan hệ tốt với đồng nghiệp còn giúp tạo dựng môi trường làm việc vui vẻ, giảm căng thẳng và tạo điều kiện cho sự sáng tạo, đổi mới.

Ông đưa ra các chuẩn mực ứng xử với đồng nghiệp: Tôn trọng, Hợp tác, Chia sẻ, Học hỏi, Xây dựng niềm tin, Quản lý xung đột... 

Cuối buổi trò chuyện, diễn giả Hồ Nhựt Quang đã cho sinh viên làm một bài tập nhận diện ý nghĩa thương hiệu. Các nhóm đã hào hứng tham gia và đã nhận được phần thưởng lớn từ diễn giả do có những ý tưởng cực kỳ xuất sắc. Phần thưởng của diễn giả là một tờ Yen Nhật có giá trị cùng các phần thưởng khác. Khán phòng đã vở òa vì niềm vui bất ngờ này.

Bạn Nguyễn Khánh Linh, sinh viên lớp 22CĐPR cho biết: “Lời đầu tiên em xin gửi lời cảm ơn đến thầy Quang vì thầy đã đến và chia sẻ những kiến thức vô cùng bổ ích đối với các bạn sinh viên lớp 22CĐPR. Em rất vui khi được tiếp thu thêm kiến thức về văn hoá và doanh nghiệp mà thầy đã tuyền đạt cho chúng em.

Em đã được biết thêm những kiến thức dân gian vô cùng hay, từ những thứ đơn giản, từ đời thường tạo nên những điều vô cùng lớn lao gắn kết con người với con người cho đến một doanh nghiệp. Em rất tâm đắc câu nói mà thầy đã chia sẻ: “Văn hoá là cái còn thiếu khi ta có tất cả, là cái còn lại khi tất cả đã mất”. Đối với em, văn hoá luôn là một khái niệm rất quan trọng đối với một con người vì “Tiên học lễ hậu học văn”. Đặc biệt hơn hết là đối với những mầm non, những sinh viên như chúng em đang chuẩn bị bước vào một công ty, doanh nghiệp nào đó để tiếp tục cống hiến tuổi trẻ và sức lực của mình. Hiểu và biết được cách ứng xử như thế nào trong một doanh nghiệp qua bài chia sẻ của thầy ngày hôm nay đối với em là những kiến thức vô cùng quý báu và hữu ích. Một lần nữa xin cho phép em gửi lời cảm ơn trân trọng đến thầy và chúc thầy luôn có thật nhiều sức khoẻ và niềm vui trong thời gian tới”. 

Bạn Lê Thị Như Mỹ, sinh viên lớp 22CĐPR bày tỏ: “Các bạn sinh viên chúng em rất hào hứng khi được nghe những chia sẻ từ nét văn hoá ứng xử truyền thống từ xưa nay đến nét văn hoá của các doanh nghiệp của thầy Quang. Bởi lẽ khí chất của thầy toát lên vẻ thanh tao và đầy tri thức. Nhưng không vì lẽ đó mà mất đi sự tự nhiên, gần gũi khi giao tiếp với sinh viên. Buổi diễn thuyết rất được sự chú ý của các bạn vì thầy Quang đã đưa ra những ví dụ để lý giải về các nét văn hoá truyền thống như: Vì sao đeo nhẫn cưới lại là ngón áp út, vì sao Tết của người Việt lại trưng hoa vạn thọ… (về văn hoá truyền thống); Vì sao quán cà phê A lại giữ chân được khách, vì sao logo của Toyota lại có những đặc điểm như vậy… Có vô vàn những lý giải rất hay gần với đời sống hàng ngày nhưng chúng em lần đầu được hiểu-biết-nhận định đúng đắn. Theo cảm nhận của lớp, đây là buổi diễn thuyết đầy phấn khởi. Bởi không chỉ mang lại cho chúng em bài học về phong thái giao tiếp mà còn tiếp thu được những kiến thức vô cùng đời thường nhưng lại rất thực tế và quý giá”.


Cũng tại buổi tọa đàm Coach Mama Dung đã cho các bạn sinh viên chơi một trò chơi tập thể, đứng lên ngồi xuống. Nếu tập thể làm không đều thì trò chơi không kết thúc. Các bạn sinh viên sau một lúc lúng túng đã tiến hành trao đổi, áp dụng chiến thuật mới khiến cho trò chơi có cơ hội kết thúc.

Cô Dung đánh giá, làm việc nhóm cực kỳ quan trọng. Nếu chúng ta không có những nguyên tắc chung ban đầu thì rát khó làm việc. Mặt khác, chúng ta phải xác định “We are one” thì mới có thể đi xa, chứ mỗi người một phách thì xem như đã thất bại ngay từ đầu”.

ThS. Phạm Đức Minh, Phó Trưởng Khoa Kinh tế Truyền thông tâm sự: “Khoa thật bất ngờ với những vấn đề mà anh Hồ Nhựt Quang, cô Mama Dung đã chia sẻ. Với những kiến thức sâu, rộng, uyên thâm, anh Quang, cô Mama Dung đã thổi một luồng gió mát lành đến với các bạn sinh viên, giúp cho các em nhận được vô vàn điều bổ ích, đặc biệt là trong thời điểm các em chuẩn bị bước vào kỳ thực tập ở cơ sở. Những câu chuyện về văn hoá doanh nghiệp, cách ứng xử với đồng nghiệp, với thương hiệu… mà anh Quang, cô Mama Dung đã truyền đạt, chắc chắn sẽ là hành trang quý giá để các em hiểu biết hơn, xử sự tốt hơn, làm việc tốt hơn trong môi trường thực tiễn mà tới đây, các em phải đối diện.

Tôi cũng cảm thấy thú vị khi không chỉ truyền đạt về mặt lý thuyết, anh Quang, cô Mama Dung đã dẫn dắt các bạn sinh viên thực hành ngay những điều vừa tiếp thu. Anh Quang, Mama Dung truyền đạt thu hút, dễ hiểu nên các bạn sinh viên cũng nhanh chóng hoàn thành bài tập của mình. Điều thú vị và xúc động hơn nữa là anh Quang cũng dành những phần quà giá trị cho các em có bài giải đáp hay, sáng tạo. Giá trị phần quà đó thực sự các bạn sinh viên cũng không thể ngờ tới là nó rất cao, vừa về giá trị vật chất lẫn tinh thần. Tôi cho rằng anh Quang, cô Mama Dung đã đến với buổi làm việc này bằng tất cả tâm huyết, tấm lòng yêu thương của mình.

Khoa Kinh tế Truyền thông chân thành cảm ơn tấm chân tình đó của anh Quang, cô Mama Dung và mong muốn sẽ được anh Quang, cô Mama Dung đồng hành nhiều hơn nữa, truyền thụ cho các em nhiều kiến thức hơn nữa ở nhiều lĩnh vực khác, vừa là sở trường của anh Quang, cô Mama Dung vừa rất gần với chương trình học của các em, để các em có thể nắm vững hơn về lý thuyết, vững vàng trong thực hành, hiệu quả hơn khi thực chiến…”.


Khoa Kinh tế Truyền thông

Diễn giả Hồ Nhựt Quang cùng các bạn sinh viên Khoa Kinh tế Truyền thông.

Các bạn sinh viên hào hứng tham gia tọa đàm.

Các khách mời cùng các bạn sinh viên Khoa Kinh tế Truyền thông.

Phần thưởng của diễn giả Hồ Nhựt Quang là một tờ Yen Nhật có giá trị.

Coach Mama Dung đã cho các bạn sinh viên chơi một trò chơi tập thể.

Một số hình ảnh tại tọa đàm Văn hóa doanh nghiệp "Huyết mạch của một tổ chức".