Sinh viên VOV College tổ chức tư vấn tuyển sinh trực tuyến ngành Báo chí
Vừa qua, tại phim trường truyền hình Cơ sở Quận 12 của trường Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình II (VOV College) đã diễn ra buổi livestream tư vấn tuyển sinh “Ngành Báo chí: Học gì, Làm gì?” trên trang fanpage “VOV College và Sinh viên tương lai”.
Tham gia buổi tư vấn trực tuyến, hai khách mời đã chia sẻ nhiệt tình những thắc mắc về chương trình đào tạo ngành Báo chí tại VOV College và cơ hội việc làm của ngành này sau khi ra trường.
Rèn kĩ năng từ ghế giảng đường
Theo Nhà báo Huỳnh Sang, báo chí là một lĩnh vực cạnh tranh, năng động và để có thể tồn tại và phát triển trong ngành nghề này, ngoài nền tảng kiến thức chuyên môn tốt, sinh viên phải chú trọng rèn luyện thuần thục các kĩ năng phục vụ cho việc tác nghiệp. Nhà báo Huỳnh Sang nhấn mạnh: “Môi trường truyền thông số đòi hỏi những người làm báo phải nâng cấp bản thân liên tục theo sự phát triển của khoa học công nghệ, trong đó kỹ năng sử dụng thành thạo các ứng dụng, phần mềm sản xuất các sản phẩm báo chí đặc biệt quan trọng, nếu thiếu kĩ năng này sẽ khó thực hiện yêu cầu của công việc”.
ThS. Nguyễn Thị Mai Thu - Phó trưởng khoa, Phụ trách khoa Báo chí - Truyền thông VOV College (giữa) và Nhà báo Huỳnh Sang - Giám đốc công ty truyền thông SC Media, cựu sinh viên ngành Báo chí khóa 1999 - 2001 (bìa trái)
Đồng quan điểm với nhà báo Huỳnh Sang, ThS. Nguyễn Thị Mai Thu cho biết VOV College luôn chú trọng rèn luyện các kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên. Chương trình đào tạo ngành Báo chí luôn được cập nhật Nhà trường theo hướng tăng thời gian thực hành trong các môn học với khối lượng kiến thức lý thuyết chiếm 30% và thực hành chiếm 70%. “Ngay từ học kỳ 1 năm thứ nhất, sinh viên đã có cơ hội tiếp cận các kiến thức chuyên ngành và được thực hành sản xuất sản phẩm tin, bài trong các phòng học chức năng hiện đại như studio truyền hình, studio phát thanh, phim trường ảo.” – ThS. Nguyễn Thị Mai Thu thông tin.
Điều đặc biệt trong chương trình đào tạo của ngành Báo chí tại VOV College, sinh viên được học cả 4 loại hình báo chí là báo in, phát thanh, truyền hinh và báo điện tử. Do đó, sinh viên được rèn luyện đầy đủ các kỹ năng, tố chất của một nhà báo hiện đại. Ngoài kỹ năng viết lách, sinh viên còn thông thạo các thiết bị chuyên dụng trong ngành như máy ảnh, máy quay, máy ghi âm, micro cũng như các phần mềm dựng phim, xử lý âm thanh như Adoble Premiere, Adobe Audition thông qua các môn học kỹ thuật sản xuất chương trình truyền hình, kỹ thuật sản xuất chương trình phát thanh.
Ngoài ra, với mong muốn cung cấp đầy đủ các kỹ năng cần thiết cho một phóng viên “đa-zi-năng”, VOV College thường xuyên mời các phóng viên, biên tập viên đang công tác tại các cơ quan báo chí trao đổi cho sinh viên về cách làm báo. Từ đây, sinh viên được tiếp cận, giao lưu, học tập với các nhà báo, phóng viên ngay từ trên ghế giảng đường, ThS. Nguyễn Thị Mai Thu chia sẻ: “Nếu như các thầy cô là người gợi mở, chỉ lối thì chính những phóng viên, biên tập viên được mời về giảng dạy, trao đổi chuyên đề sẽ mang đến cho sinh viên một thế giới thực tế đầy sống động”.
Phim trường truyền hình là nơi sinh viên của ngành Báo chí của VOV College được thực hành môn Truyền hình trực tiếp
Bên cạnh được thực hành trong các môn học chuyên ngành, sinh viên còn được rèn luyện thông qua các sân chơi học thuật như CLB Truyền thông, CLB Nhiếp ảnh, CLB Người dẫn chương trình, CLB Radio Sắc Màu Cảm Xúc. Tham gia hoạt động tại các CLB sẽ giúp trang bị cho sinh viên có thêm nhiều kỹ năng, kinh nghiệm làm báo, rèn luyện về phẩm chất, năng lực và bản lĩnh làm nghề.
Học báo chí không chỉ để làm báo
Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, báo chí đang trở thành một ngành học “hot” và mở ra nhiều triển vọng nghề nghiệp cho sinh viên. “Những vị trí công việc sau khi tốt nghiệp rất đa dạng. Sinh viên có thể lựa chọn nhiều vị trí việc làm khác nhau như phóng viên, biên tập viên, MC, quay phim,… tại các cơ quan báo đài từ địa phương đến trung ương hay các công ty truyền thông trên cả nước” – ThS. Nguyễn Thị Mai Thu chia sẻ.
Đối với việc sản xuất các chương trình đòi hỏi phải có sự phối hợp của êkip, nhà báo Huỳnh Sang nhận định tùy theo năng lực, sở trưởng của bản thân mà sinh viên có thể tham gia trong từng khâu như thu thập thông tin, xây dựng kịch bản, tổ chức sản xuất, xử lý hậu kì,… điều quan trọng là sinh viên phải xác định được thế mạnh của bản thân để phát huy và trao dồi kỹ năng từng ngày.
Trả lời thắc mắc của những người quan tâm ngành Báo chí trong buổi livestream, ThS. Nguyễn Thị Mai Thu cho biết sau khi tốt nghiệp, các bạn có nhiều cơ hội nghề nghiệp:“Thực tế sinh viên Báo chí của Trường sau khi tốt nghiệp, một số về các cơ quan báo chí, công ty truyền thông; một số khác đang làm rất tốt công việc truyền thông nội bộ, PR, marketing, xây dựng và quản trị thương hiệu... tại các cơ quan, doanh nghiệp”.
Khách mời và ekip làm livestream tư vấn tuyển sinh “ngành Báo chí: Học gì, Làm gì?”
Tiếp lời ThS. Nguyễn Thị Mai Thu, nhà báo Huỳnh Sang cũng cho rằng sinh viên tốt nghiệp ngành Báo chí không nên bó buộc vào một nghề cụ thể “Cơ hội việc làm không chỉ gói gọn ở một cơ quan báo chí hay một công ty truyền thông mà còn là các công ty, doanh nghiệp hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác. Các bạn đừng gò ép bản thân vào một công việc cụ thể trong xu thế xã hội ngày càng phát triển hiện nay”. Theo nhà báo Huỳnh Sang, hiện nay nhu cầu về các hoạt động như quảng cáo, PR, xây dựng thương hiệu, tiếp thị, truyền thông tập đoàn trong xã hội đang tăng mạnh. Vì vậy, sinh viên tốt nghiệp ngành Báo chí có thể tham gia bất cứ công việc gì liên quan đến truyền thông.
Được biết, buổi tư vấn tuyền sinh trực tuyến “ngành Báo chí: Học gì, Làm gì?” là sản phẩm kết thúc môn Tổ chức sự kiện do một nhóm sinh viên lớp 20CĐBC1 thực hiện.
Năm 2022, VOV College tuyển sinh 400 chỉ tiêu, trong đó ngành Báo chí tuyển sinh 180 chỉ tiêu. Phương thức xét tuyển: dựa vào kết quả điểm học bạ học kì 1 năm lớp 12, dựa vào điểm học bạ cả năm lớp 12 và kết quả kì thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Trường nhận hồ sơ xét tuyển đợt 1 đến hết ngày 31/8/2022 qua 3 hình thức: trực tiếp tại trường, qua bưu điện và trực tuyến trên website www.vov.edu.vn.
Bài và ảnh: Ngọc Sáng