Giới thiệu

TRƯỜNG THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THANH 2

Sau ngày giải phóng Miền nam 30/04/1975, Tổng cục Thông tin đã sớm cho xúc tiến thành lập trường đào tạo cán bộ thông tin, tuyên truyền phục vụ cho sự nghiệp cách mạng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sau khi đất nước thống nhất. Tháng 01/1977 - Trường Thông tin và Truyền thanh II chính thức được thành lập. Trụ sở đầu tiên của Trường ở số 19, phố Kỳ Đồng, Quận 3. Nguồn giáo viên được chọn từ  những cán bộ, chuyên gia giỏi ở Tổng cục Thông tin, trong số đó nhiều người là cán bộ Miền Nam tập kết. Ban đầu, Trường mở các lớp bồi dưỡng cán bộ để phục vụ kịp thời cho công tác thông tin, cổ động, tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng và Chính phủ, xây dựng xã hội mới và bảo vệ vững chắc thành qủa cách mạng.

TRƯỜNG CÔNG NHÂN TRUYỀN THANH II

Ngày 8/7/1977 Hội đồng chính phủ ra quyết định số 180-CP do phó Thủ tướng Phạm Hùng ký, chuyển trường Truyền thanh II thuộc Tổng cục Thông tin sang cho Ủy ban Phát thanh và Truyền hình Việt Nam.

Ngày 03/01/1978 Ủy ban Phát thanh và Truyền hình Việt Nam đổi tên trường thành “Trường công nhân kỹ thuật II”. Sau khi tách ra, Trường được chuyển đến tọa lạc tại tầng 9 toà nhà số 727 Trần Hưng Đạo, Quận 1 (Khu khách sạn - chúng cư PRESIDENT bố trí cho cơ quan Báo chí, Phát thanh lúc bấy giờ).

Trường chính thức tuyển sinh khoá đầu tiên dưới dạng chỉ tiêu đào tạo phân bổ cho các tỉnh từ Đà Nẵng trở vào với các chuyên ngành: Quay phim, Công nhân phát xạ, Công nhân bá âm và Công nhân truyền thanh bậc thợ 2/7.

TRƯỜNG NGHIỆP VỤ PHÁT THANH - TRUYỀN THANH

Năm 1980, Trường chuyển về địa điểm mới, diện tích 799 m2 tại số 75 đường Trần Nhân Tôn, Quận 5. Ngày 09 tháng 10 năm 1981 đổi tên thành Trường Nghiệp vụ Phát Thanh – Truyền thanh, tiếp tục đào tạo khóa 2, 3 hệ CNKT bậc 2/7.

TRƯỜNG NGHIỆP VỤ PHÁT THANH - TRUYỀN HÌNH

Sau khi Ủy ban Phát thanh và Truyền hình Việt Nam giải thể, ngày 14/03/1987 Bộ Văn hóa - Thông tin tiếp nhận Trường Nghiệp vụ Phát thanh -Truyền thanh, đổi tên thành Trường Nghiệp vụ Phát thanh-Truyền hình có chức năng, nhiệm vụ đào tạo công nhân kỹ thuật phát thanh và truyền hình bậc thợ 3/7.

Từ 1987 đến 1993 Trường liên tục đào tạo các khóa 4,5,6,7,8,9,10 cung cấp rất nhiều nhân lực kỹ thuật cho các Đài Phát thanh và Truyền hình các tỉnh phía Nam góp phần thực hiện mô hình “Truyền thanh 4 cấp” từ Trung ương xuống đến cơ sở.

Để phù hợp với công tác quản lý ngành, ngày 25/09/1993 Chính phủ đã đồng ý giao các trường đào tạo thuộc lĩnh vực Phát thanh và Truyền hình về Đài Tiếng Nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam. Trường nghiệp vụ Phát thanh - Truyền hình đóng tại thành phố Hồ Chí Minh chính thức trực thuộc Đài Tiếng Nói Việt Nam từ ngày 24/03/1994. Từ năm 1996 đến năm 1998 nhà trường được Lãnh đạo Đài cho xây mới trụ sở để có cơ ngơi đào tạo khang trang, rộng rãi, đầu tư nhiều tỉ đồng trang thiết bị hiện đại, chuyên ngành. Nhà trường tiếp tục đào tạo các khóa học 11,12 và 13.

TRƯỜNG TRUNG HỌC PHÁT THANH – TRUYỀN HÌNH II

Được sự chấp thuận của Chính phủ và Bộ GD-ĐT, ngày 12/01/1998 Đài Tiếng nói Việt Nam đã ra Quyết định nâng cấp trường lên trung cấp, mang tên Trường Trung học Phát thanh Truyền hình II.

Trường được giao nhiệm vụ đào tạo đa hệ, bổ sung ngành học phóng viên báo chí Phát thanh – Truyền hình, tăng cường mở các lớp ngắn hạn bồi dưỡng, đào tạo lại phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên và các lớp kỹ thuật công nghệ cao. Bên cạnh đó, từ năm 2002 trở đi nhà trường đã tổ chức liên kết đào tạo với trường Đại học Bách khoa Hà Nội, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh để mở các khóa đại học tại chức.

TRƯỜNG CAO ĐẲNG PHÁT THANH – TRUYỀN HÌNH II

Để đáp ứng nguồn nhân lực có trình độ cao cho nhu cầu phát triển nhanh chóng của ngành phát thanh và truyền hình Việt Nam, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế, ngày 19/6/2006 Trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép nâng lên thành trường Cao đẳng Phát thanh -Truyền hình II trên cơ sở trường trung cấp (Quyết định số 3016/QĐ-BGD-ĐT ngày 19/06/2006).

Quy mô đào tạo của trường được mở rộng thêm với các ngành: Báo chí, Truyền thông đa phương tiện, Quan hệ công chúng, Công nghệ kỹ thuật điện tử, truyền thông, Quay phim, Thiết kế đồ họa, Tin học ứng dụng và nhiều khóa đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn trong nước và quốc tế.