Nhiều điều bổ ích từ buổi sinh hoạt chuyên môn Khoa Báo chí và Truyền thông

Ngày 4/12, tại Trường Cao đẳng Phát thanh Truyền hình II, Khoa Báo chí và Truyền thông tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề: "Phương pháp, kinh nghiệm tìm đề tài và khai thác thông tin cho thể loại phóng sự", với sự góp mặt của ba vị khách mời: nhà báo Trần Trung Thanh - Thư ký tòa soạn báo Phụ Nữ TP.HCM, phóng viên Lâm Sơn Vinh - báo Phụ nữ TP.HCM và phóng viên Lê Phong - báo Người Lao Động cùng hơn 100 sinh viên đến từ hai lớp 20CĐBC1 và 20CĐBC2.

Tại buổi nói chuyện, các bạn sinh viên đã đặt nhiều câu hỏi xung quanh việc tìm đề tài và khai thác thông tin cho phóng sự. Hai phóng viên Lâm Sơn Vinh và Lê Phong, cũng là hai cựu sinh viên của Trường Cao đẳng Phát thanh Truyền hình II, đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm tác nghiệp cũng như phương pháp tiếp cận tìm đề tài chủ đề. Hai anh cũng đã chia sẽ những kỷ niệm thời điểm khi cả hai còn ngồi trên giảng đường, đã cùng nhau thực hiện nhiều tuyến đề tài xã hội gây nhức nhối, như "Nạn móc túi ở Bùi Viện", "Giải cứu nữ sinh khỏi địa ngục trần gian",...

Khi được hỏi cách để có ý tưởng, quyết định đề tài, anh Lê Phong chia sẻ kinh nghiệm: “Các bạn cần tập thói quen quan sát kỹ, mở rộng góc nhìn, dùng kiến thức và phán đoán đúng để tìm hiểu xem có bao nhiêu góc nhìn xung quanh đề tài đó. Không phải ai cũng suy nghĩ giống nhau, nên hãy tìm góc độc, lạ, mới nhất để hình thành bài viết. Phải lưu ý rằng, một nhà báo luôn cần có góc nhìn khác so với số đông mọi người”

Bổ sung thêm phần trả lời về “cách khai thác thông tin”, anh Lâm Sơn Vinh cũng nhấn mạnh: “Các bạn hãy luôn cố gắng trao dồi kỹ năng viết của mình. Cố gắng làm tốt một bản tin ngắn, mang đầy đủ yếu tố báo chí, từ đó sẽ dần hình thành nên những sản phẩm chất lượng hơn. Không nên chạy đua với thời gian để làm cho xong phóng sự để nộp bài. Như vậy sẽ chỉ ra được những sản phẩm “mì ăn liền”, không đạt chất lượng. Một đề tài, một phóng sự có thể mất 3 tháng hoặc thậm chí 3 năm mới có thể hoàn thiện là điều hết sức bình thường. Vì nhiệm vụ của nhà báo phải khai thác cho bằng hết các góc nhìn xung quanh đề tài đó”.

Nhà báo Trần Trung Thanh - Thư ký tòa soạn báo Phụ nữ TP.HCM, đã gữi gắm những lời khuyên cho những nhà báo tương lai: “Một nhà báo thực thụ luôn phải rèn luyện trong suốt quá trình làm nghề, luôn trang bị kiến thức cho bản thân. Tôi là người của thế hệ trước vẫn phải luôn cập nhật những điều mới mẻ. Các bạn cũng cần tìm hiểu kỹ lưỡng về Luật báo chí để rõ hơn về trách nhiệm cũng như quyền hạn của một nhà báo, phóng viên khi tác nghiệp, luôn tôn trọng sự thật, giữ sự trung lập".

Sinh viên Lê Thanh Huyên, lớp 20CĐBC2 chia sẻ: “Mình đã được mở mang thêm nhiều kiến thức về cách làm nghề, những gì mà một nhà báo cần tôi luyện. Nhà báo phải luôn nhìn nhận sự việc đúng, chính xác, và nhìn theo nhiều hướng. Mình thích nhất lúc các anh nói về phóng sự chân dung, cách tìm nhiều góc nhìn cho một sự việc, hiện tượng, và các kỷ niệm cũng như sự dấn thân của các anh khi làm phóng sự điều tra”.

Buổi nói chuyện chuyên đề nằm trong khuôn khổ học phần Phóng sự báo in do giảng viên Đoàn Thị Thoa và giảng viên Nguyễn Thị Mai Thu kết hợp tổ chức; nhằm giúp sinh viên giải đáp được những thắc mắc với môn học, tích lũy thêm những điều cần phải làm để có thể tạo ra được sản phẩm báo chí chất lượng.

Tin: Hoàng Tùng

Ảnh: Bậm Võ